Lý do chọn New Zealand
1. CHI PHÍ DU HỌC THẤP
- Chi phí du học ở New Zealand thấp hơn từ 30-40% so với du học Mỹ do tỉ giá đồng đô la New Zealand thấp và tương đối ổn định, học phí không tăng nhiều qua các năm. Giá trị đầu tư so với bằng cấp nhận được là rất xứng đáng.
- Với học phí bậc Tiến sĩ chỉ ở mức 7,000NZD/năm và nhiều học bổng 100%, New Zealand là điểm đến hấp dẫn nhất cho các du học sinh bậc Tiến sĩ
2. MÔI TRƯỜNG SỐNG TUYỆT VỜI
- New Zealand nổi tiếng thế giới về cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp với rất nhiều núi non, sông hồ và rừng cây.
- Là một quốc gia hiếu khách và giàu văn hóa, người dân New Zealand thân thiện và cởi mở với các nền văn hóa khác.
- New Zealand được coi là một trong những quốc gia yên bình nhất thế giới.
3. CƠ HỘI VIỆC LÀM VÀ ĐỊNH CƯ
- Sinh viên hoàn thành chương trình Cử nhân, Thạc sĩ hoặc Tiến sĩ ở New Zealand đủ điều kiện xin visa làm việc 3 năm sau tốt nghiệp
- Sinh viên có bằng cấp và kỹ năng đáp ứng nhu cầu tuyển dụng của một số ngành nhất định có nhu cầu tuyển dụng cao
Cuộc sống tại New Zealand
New Zealand là một đảo quốc tại khu vực Tây Nam Thái Bình Dương, gồm hai đại lục chính là đảo Bắc và đảo Nam, cách nước Úc chỉ khoảng gần 2h bay. Chính bởi vậy mà tự nhiên, đời sống và xã hội của New Zealand phần lớn tương đồng với Úc.
New Zealand có địa hình đa dạng, gồm cả những ngọn núi kỳ vĩ, những thảo nguyên xanh mướt và vùng đồng bằng màu mỡ. Chính bởi là một quốc đảo nên New Zealand có đường bờ biển dài bao quanh với những bãi biển thơ mộng, xinh đẹp. Nơi đây có khí hậu hải dương ôn hòa và ôn đới vô cùng thuận lợi với thời tiết không bao giờ quá nóng hay quá lạnh. Tương tự với Úc, các mùa tại quốc gia này ngược với Việt Nam. Tháng nóng nhất là tháng 1 với nhiệt độ trung bình cao nhất khoảng 26°C ở miền Bắc và 20°C ở miền Nam. Tháng 7 là tháng lạnh nhất tại quốc gia này, với nhiệt độ trung bình khoảng 10°C – 15°C.
Loại hình nhà ở cho du học sinh
Cũng như các quốc gia khác, du học sinh tại New Zealand có thể lựa chọn ở tại ký túc xá, homestay hay thuê phòng trọ bên ngoài; chi phí tùy thuộc vào nơi bạn sống, loại hình nhà ở và số lượng người. Hình thức tiết kiệm chi phí nhất thường là thuê phòng trọ ở chung (bạn có thể ru thêm một người bạn của mình ở cùng và chia đôi tiền nhà). Riêng đối với học sinh dưới 18 tuổi, toàn bộ các em sẽ phải ở homestay hoặc kí túc xá dưới sự quản lý, chăm sóc của nhà trường.
Chi phí sinh hoạt:
Học tập tại New Zealand, các bạn sinh viên sẽ cần khoảng 800 – 1,200 NZD/tháng cho chi phí sinh hoạt với các khoản chính bao gồm:
Khoản phí | Chi phí/ tuần |
Nhà ở | 130 – 250 NZD |
Ăn uống | 50 – 80 NZD |
Điện, gas, Internet | 20 – 30 NZD |
Đi lại | 10 – 30 NZD |
Giải trí | 20 – 60 NZD |
Tổng | 220 – 450 NZD |
Các khoản chi phí này có thể thấp hoặc cao hơn tùy vào thói quen sinh hoạt của sinh viên cũng như địa điểm sống. Thông thường, thành phố Auckland và Wellington sẽ có chi phí sinh hoạt cao hơn đôi chút so với các địa điểm khác.
Cơ hội làm thêm
Toàn bộ du học sinh quốc tế tại New Zealand được phép đi làm thêm 20 giờ/tuần trong kì học và toàn thời gian trong kì nghỉ. Công việc chủ yếu thường là phục vụ trong quán café/ nhà hàng, làm móng, làm thêm trong các nông trại… với mức lương trung bình khoảng 14 – 15 NZD/giờ
Hệ thống giáo dục New Zealand
Hệ thống giáo dục của New Zealand được chia thành 3 cấp độ: Giáo dục mẫu giáo; Giáo dục phổ thông (tiểu học, trung học cơ sở, trung học phổ thông); Giáo dục đại học và sau đại học. Trong đó, bậc trung học phổ thông, đại học và sau đại học là những bậc học phổ biến được học sinh Việt Nam lựa chọn khi du học New Zealand.
Bậc học | Thời gian |
Tiểu học | Lớp 1 đến lớp 5 |
Trung học | Lớp 6 đến lớp 9 |
Phổ thông trung học | Lớp 10 đến lớp 13 |
Đại học | 3-4 năm |
Sau đại học | 2-3 năm |
Giáo dục phổ thông bao gồm 13 lớp, từ Lớp 1 (5 tuổi) đến Lớp 13 (19 tuổi). Đa số các trường phổ thông là trường công và nhìn chung, các trường có cơ sở vật chất và chất lượng giảng dạy khá tương đồng. Hầu hết các trường phổ thông tiếp nhận cả học sinh nam và nữ, có khoảng 10% các trường chỉ nhận hoặc nam sinh hoặc nữ sinh, và có một số trường nội trú.
Từ Lớp 1 đến Lớp 10, học sinh được tạo điều kiện tối đa để phát huy tiềm năng của bản thân thông qua chương trình học theo khung chuẩn quốc gia (New Zealand Cirriculum – NZC). NZC bao phủ nhiều lĩnh vực, giúp học sinh định hình nền tảng vững chắc cho bản thân, đặc biệt là các kĩ năng sống và giá trị sống. Từ khoảng giữa năm Lớp 10, học sinh sẽ bắt đầu xác định con đường tương lai của mình, với các lựa chọn như: học đại học, học nghề, đi làm.
Trường đại học tại New Zealand
New Zealand có 08 trường Đại học, bao gồm: University of Auckland, AUT University, Lincoln University, Victoria University of Wellington, Massey University, University of Waikato, University of Canterbury, University of Otago. Tất cả đều là trường công lập, có chất lượng khá tương đồng nhau. New Zealand là quốc gia duy nhất trên thế giới có tất cả các trường ĐH công lập nằm trong 3% các trường ĐH tốt nhất thế giới theo bảng xếp hạng các Đại học tốt nhất thế giới QS năm 2017/18 (QS World University Rankings 2017/18). Đồng thời, thống kê mới nhất của Bảng xếp hạng các đại học tốt nhất thế giới tính theo ngành học (QS World University Rankings by Subject) cho thấy New Zealand có 22 ngành học thuộc top 50 trên toàn thế giới.
Trường đại học đào tạo các chương trình Cử nhân, Thạc sĩ, Tiến sĩ. Các chương trình Cử nhân thường kéo dài 3 năm (với các ngành Kỹ sư thì thời gian học là 4 năm, các ngành Kiến trúc hoặc Thú y kéo dài 5 năm, và chương trình học ngành Y thường là 6 năm). Tùy vào thành tích học tập sau chương trình Cử nhân 3 năm, sinh viên có thể tiếp tục học thêm 1 năm để có bằng Cử nhân danh dự (Bachelor’s Honors Degree). Thời gian học Thạc sĩ có thể kéo dài 1 năm, 1 năm rưỡi hoặc 2 năm. Bậc Tiến sĩ có thời gian trung bình từ 3-4 năm thay vì 4-5 năm nhưng nhiều quốc gia khác.
Học viện Kỹ nghệ (Institutes of Technology and Polytechnic - ITPs)
New Zealand có 16 Học viện Kỹ nghệ, đào tạo và giảng dạy các chương trình học thuật, nghề hoặc các khóa huấn luyện chuyên nghiệp với nhiều ngành học đa dạng, trọng tâm của chương trình giảng dạy là những kiến thức mang tính ứng dụng cao và cung cấp kinh nghiệm thực tế cho người học. ITPs thường xuyên tham khảo ý kiến với các doanh nghiệp để đảm bảo chương trình học và những kĩ năng của sinh viên có thể đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động. Ngoài Chứng chỉ (Certificate), Văn bằng (Diploma), ITPs cũng giảng dạy các chương trình Cử nhân, Thạc sĩ và Tiến sĩ, và giá trị của các bằng cấp được công nhận tại New Zealand cũng như trên toàn cầu.
Các trường tư thục (Private Training Establishments - PTEs)
Có hơn 500 trường tư thục có đăng ký hoạt động ở New Zealand. Nhiều trường tư thục có các khóa học thích hợp để đào tạo các ngành nghề cụ thể, giúp sinh viên đạt được những chứng chỉ và văn bằng để có thể đi làm. Ví dụ chuyên ngành kiểm soát không lưu, phi công và đào tạo máy tính cũng như đào tạo giáo viên mầm non, du lịch và các ngành thiết kế.
Các học viện tại New Zealand cung cấp đa dạng lựa chọn học tập cho sinh viên, từ các ngành nghề cơ bản như Khoa học, Kỹ thuật, Quản trị kinh doanh, nông nghiệp cho đến các ngành học chuyên biệt với các môn học mới ít được giảng dạy tại các nước khác trên thế giới, nhưng lại là những ngành học mới nổi, có triển vọng công việc tốt như An ninh mạng, Quản lý thể thao, Hàng không, làm phim…
Một lựa chọn khác cũng được đông đảo sinh viên quốc tế theo học tại New Zealand là các khóa học tiếng Anh, từ Tiếng Anh tổng quát hỗ trợ giao tiếp, du lịch,… cho đến các khóa Tiếng Anh luyện thi IELTS, TOELF, Cambridge; Tiếng Anh học thuật; Tiếng Anh chuyên ngành; các khóa học này được thiết kế linh động để phù hợp với nhu cầu và trình độ của từng học viên.
Kỳ nhập học
- Năm học của New Zealand kéo dài từ Tháng 2 cho đến Tháng 11 với kì nghỉ giữa kì khoảng 4 tuần vào Tháng 6 hoặc Tháng 7.
- Sinh viên có thể nhập học vào học kỳ một hoặc hai, tùy theo khóa học và trường đại học.
- Các trường đại học bắt đầu nhận đơn đăng ký vào khoảng Tháng 10 năm trước cho kỳ nhập học vào Tháng 2 và nhận đơn đăng ký vào Tháng 4 cho kỳ nhập học vào Tháng 7.
Các trường tại New Zealand
Visa
Các bước du học New Zealand
1. Tìm hiểu và kiểm tra điều kiện đầu vào
- Lựa chọn bậc học, khóa học và học bổng phù hợp nhất với bạn
- Kiểm tra yêu cầu nhập học của trường
- Kiểm tra thời hạn nộp đơn đăng kí
2. Đăng ký nhập học & xin học bổng
- Liên hệ ATS để được hỗ trợ về việc chuẩn bị hồ sơ và tư vấn học bổng tốt nhất
- Tải đơn hoặc nhận đăng ký nhập học từ ATS.
- Hoàn thành đơn đăng kí nhập học theo hướng dẫn của Chuyên viên tư vấn
Một số thông tin bạn cần cung cấp
- Thông tin cá nhân (Họ tên, ngày sinh, CMND…)
- Thông tin liên hệ của bạn(Địa chỉ, số điện thoại,…) và thông tin liên hệ trong tình huống khẩn cấp
- Quá trình học tập (Trường học, các bằng cấp mà bạn đạt được)
- Năng lực tiếng Anh (điểm thi IELTS, TOEFL, PTE, hoặc tương đương)
- Kế hoạch tài chính (bạn dự định tự túc kinh phí hay được tài trợ bởi một tổ chức học bổng nào)
- Các bằng khen, chứng nhận, các hoạt động xã hội, thư xin học bổng...
3. Xét tuyển
-
Nhà trường sẽ gửi email hoặc thư xác nhận khi nhận được đơn đăng ký nhập học của bạn; đồng thời ATS sẽ liên hệ với bạn nếu nhà trường cần thêm thông tin.
-
Sau quá trình xem xét hồ sơ, nếu hội tụ đủ điều kiện, bạn sẽ nhận được thư mời nhập học cùng thông tin về học phí, các khoản phí bắt buộc, cách thức chi trả, thông tin về bảo hiểm, thủ tục visa.
-
Học bổng (nếu có) sẽ được xét song song hoặc sau khi bạn nhận được thư mời nhập học.
4. Quyết định nhập học
Nếu chấp nhận thư mời nhập học, bạn sẽ ký tên vào một mẫu đơn xác nhận và gửi đơn này đến nhà trường trước ngày đáo hạn.
5. Xin visa du học New Zealand
Sau khi có thư chấp nhận nhập học từ nhà trường, bạn sẽ dùng thư này để nộp kèm với hồ sơ xin visa. Sau khi xét hồ sơ visa, Sở Di Trú New Zealand sẽ liên lạc với bạn để yêu cầu bạn đóng học phí (cho học kì đầu tiên hoặc năm đầu tiên). Sau khi nhận được thanh toán từ bạn, nhà trường sẽ gửi biên nhận và bạn có thể yêu cầu nhà trường gửi email biên nhận này cho Sở Di Trú New Zealand để được cấp visa sinh viên.
*Nguồn: ENZ