★ ━━ MỤC LỤC BÀI VIẾT ━━ ★
Theo báo cáo của Cục Quản lý đăng ký kinh doanh (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), mỗi ngày có hơn 300 doanh nghiệp mới ra đời. Mỗi doanh nghiệp dù hoạt động ở lĩnh vực nào cũng đều cần xây dựng và phát triển thương hiệu, nhằm tăng độ nhận diện và phủ sóng cho tên tuổi cũng như sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp với khách hàng. Trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, sẽ không quá khi nói rằng bộ phận Marketing đóng vai trò thiết yếu trong sự thành bại của doanh nghiệp. Marketing được các chuyên gia đánh giá là môt trong những ngành triển vọng cho tương lai, đặc biệt tại thị trường Việt Nam khi nhu cầu lao động đã qua đào tạo bài bản cho nhóm ngành này là rất lớn. Dù bạn đang hứng thú hay vẫn còn đắn đo với quyết định theo học ngành Marketing, bài viết dưới đây hy vọng sẽ giúp bạn đưa ra quyết định lựa chọn đúng đắn cho tương lai.
Thực trạng ngành Marketing
Marketing được hiểu là ngành nghề sử dụng các phương thức và công cụ đặc thù để lên kế hoạch và thực hiện các chiến dịch quảng cáo nhằm tăng nhận diện thương hiệu và giới thiệu các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp tới một hoặc nhiều tệp khách hàng tiềm năng. Nếu thương hiệu là bộ mặt của doanh nghiệp thì Marketing chính là người thợ trang điểm, giúp tạo nên hình ảnh tích cực và thu hút trong mắt khách hàng, tăng tính cạnh tranh của thương hiệu và sản phẩm/dịch vụ trên thị trường.
Một chiến dịch Marketing xuất sắc có thể làm thay đổi nhận thức và thói quen của người tiêu dùng, đưa thương hiệu lên một tầm cao mới và mang lại doanh thu khổng lồ cho doanh nghiệp. Trong thời đại công nghệ và mạng xã hội lên ngôi, nhiều khái nệm, nền tảng và công cụ Marketing mới, thân thiện và hiệu quả hơn đã ra đời, đòi hỏi cả người học và người làm nghề phải không ngừng học hỏi để thích ứng, từ đó điều chỉnh tư duy và cách tiếp cận để không bị tụt hậu
Nhận ra tầm quan trọng của Marketing, các doanh nghiệp lớn nhỏ đều chú trọng tuyển dụng những nhân lực xuất sắc để tối ưu hóa hiệu quả hình ảnh và doanh thu. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và thông tin thị trường lao động TP.HCM, từ nay đến năm 2021, chuyên ngành Marketing cần đến 10.000 lao động trở lên cho mỗi năm. Thống kê của các trang tuyển dụng lớn như Vietnamwork cũng cho thấy gần 49% các công việc được đăng tuyển là các vị trí nhân lực trong lĩnh vực Marketing. Cơ hội thăng tiến trong ngành này cũng khá cao khi có đến 30% vị trí quản lý cấp cao trong doanh nghiệp được nắm giữ bởi những người xuất thân từ chuyên ngành này.
5 lý do bạn nên chọn Marketing làm nghề nghiệp tương lai
- Nhanh nhạy trong xu hướng
Muốn tiếp cận và nắm bắt tâm lý khách hàng, trước hết người làm Marketing phải nhanh nhạy trong việc nắm bắt xu hướng thị trường và người tiêu dùng. Phụ nữ thường/đang thích gì? Đàn ông thường/đang quan tâm đến sản phẩm nào? Khách hàng có nhu cầu gì ở thời điểm hiện tại? Khi bước chân vào ngành nghề này, sự nhạy bén của bạn được cải thiện một cách kinh ngạc, vì bản chất Marketing là nắm bắt và khai thác nhu cầu của thị trường. Ban cần bắt kịp tất cả những xu hướng và sự kiện đang thu hút được sự quan tâm của đại chúng để có thể sản xuất ra những nội dung quảng cáo gần gũi và thu hút nhất, thông qua những phương tiện hiệu quả nhất. Khả năng này không chỉ giúp ích trong công việc mà còn trong cuộc sống, vì đây là một trong những tác động dễ thấy của Soft Power (quyền lực mềm) – một năng lực cần có của một người lãnh đạo.
- Trở thành những thiên tài phân tích
Với sự hậu thuẫn lớn của công nghệ, những sở thích, thói quen và nhu cầu của người tiêu dùng được hệ thống hóa rõ ràng qua những từ khóa tìm kiếm và những cái click chuột. Các ứng dụng cung cấp số liệu và những Marketer sẽ phân tích và sử dụng chúng một cách thông minh để đưa ra những chiến lược Marketing hiệu quả. Khả năng phân tích này sẽ giúp bạn phát triển tư duy logic để đưa ra những quyết định đúng đắn trong trong nhiều lĩnh vực của cuộc sống.
- Môi trường phát triển khả năng sáng tạo vô hạn
Xã hội không ngừng phát triển, thị hiếu khách hàng thay đổi từng ngày, với cùng một cơ sở dữ liệu và hướng phân tích, sự sáng tạo sẽ gây chú ý và giúp bạn trở nên đặc biệt hơn. Đây cũng là một yếu tố cốt lõi trong ngành Marketing, nơi đòi hỏi người làm phải phát triển tư duy sáng tạo không ngừng để tạo ra những slogan mới, những hình ảnh quảng cáo mới phù hợp với thị hiếu của khách hàng và từng chiến dịch quảng cáo khác nhau. Trong cuộc đua khắc nghiệt hiện nay, cách bạn truyền tải thông điệp của doanh nghiệp cũng quan trọng nội dung thông điệp. Sự sáng tạo, thông minh và dí dỏm sẽ giúp bạn giành được trái tim và tâm trí của khách hàng.
- Linh hoạt việc làm
Như đã khẳng định, Marketing là một trong những bộ phận quan trọng trong doanh nghiệp. Sau khi học hỏi và có đủ trải nghiệm trong lĩnh vực này, bạn hoàn toàn có thể tự kinh doanh bằng kinh nghiệm của mình, đặc biệt là kinh doanh online.
Trong khi các doanh nghiệp phải tuyển chọn và chi trả chi phí cho bộ phận Marketing, hay những “tay ngang” phải bỏ rất nhiều thời gian để có thể học thì bạn đã có sẵn nền tảng cho công việc kinh doanh của mình.
Công việc Marketing cũng vô cùng linh hoạt khi ở một số công ty vừa và nhỏ, bộ phận Marketing không cần trực tiếp có mặt tại văn phòng mà có thể làm việc từ nhà, giúp bạn chủ động hơn trong vấn đề thời gian và tiết kiệm chi phí đi lại. Hiện nay, việc làm Marketing tự do (freelance) cũng khá phổ biến và được ưa chuộng, việc kiếm tiền khi ngồi tại nhà không còn là trong mơ.
- Nguồn thu nhập hấp dẫn
Do sự khan hiếm của nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như tầm quan trọng của bộ phận Marketing đối với doanh nghiệp, mức lương nhóm ngành Marketing khá hấp dẫn.
Marketing có nhiều mảng khác nhau như: quản lý truyền thông doanh nghiệp, quản lý thương hiệu, quản lý Marketing thương mại,…Với từng mảng khác nhau và tùy thuộc vào quy mô doanh nghiệp, mức lương trung bình có thể lên tới 30 triệu đồng cho các ứng viên có 1-2 năm kinh nghiệm. Với những sinh viên mới tốt nghiệp mức lương cũng khá cao so với các ngành nghề khác với thu nhập từ 8 đến 15 triệu đồng. Ở mức độ quản lý với kinh nghiệm từ 5-10 năm, mức lương của một giám đốc Marketing giao động từ 50 đến 150 triệu đồng.
Những tố chất cần có của một Marketer:
- Khả năng thích nghi và linh hoạt: Rủi ro trong kinh doanh là không thể tránh khỏi, kèm theo đó có thể là cả khủng hoảng truyền thông, người học Marketing cần có khả năng thích ứng linh hoạt để bình tĩnh xử lý tình huống trong những điều kiện khó khăn.
- Khả năng quan sát, lắng nghe: Khả năng này giúp Marketer nắm bắt tâm lý, nhu cầu và thói quen khách hàng; cũng như tư học hỏi được đối chính đối thủ và đồng nghiệp xung quanh.
- Khả năng làm việc độc lập và theo nhóm: Nghề này cần làm việc nhóm khá nhiều để xử lý được các đầu công việc khác nhau, cũng như kết nối các bộ phận khác để chiến dịch được thành công
- Khả năng sáng tạo: nhạy bén với xu hướng, dám thử sức với những ý tưởng mới lạ là những yếu tố góp phần giúp bạn dễ dàng thành công trong ngành nghề này.
Ngành nghề Marketing đang phát triển và thu hút sự quan tâm của các nhà tuyển dung, mang lại nhiều cơ hội việc làm rộng mở cho giới trẻ. Làm một Marketer giỏi không dễ nhưng cũng không quá khó nếu bạn có tố chất nhanh nhạy và được đào tạo bài bản (hoặc có khả năng tư học tốt). Mong rằng với những thông tin trên đã giúp bạn bớt băn khoăn trước quyết định lựa chọn ngành học và nghề nghiệp tương lai cho bản thân.
Bài viết được thực hiện bởi ATS và trang định hướng nghề nghiệp Mr Q.